Massage là một nghệ thuật tác động lên cơ thể bằng tay hay bằng các phương tiện kỹ thuật khác, nhằm mục đích thư giãn phục hồi và tăng cường sức khỏe, phòng bệnh và chữa bệnh. Nghệ thuật này còn được gọi nôm na là xoa bóp (bởi vì nó bao gồm những kỹ thuật cơ bản như xoa bóp, day ấn, nhào vuốt.v.v…).
I. MASSAGE LÀ GÌ?
Massage là một nghệ thuật tác động lên cơ thể bằng tay hay bằng các phương tiện kỹ thuật khác, nhằm mục đích thư giãn phục hồi và tăng cường sức khỏe, phòng bệnh và chữa bệnh. Nghệ thuật này còn được gọi nôm na là xoa bóp (bởi vì nó bao gồm những kỹ thuật cơ bản như xoa bóp, day ấn, nhào vuốt.v.v…).
Massage được coi là một trị liệu (therapy) cổ xưa nhất của loài người. Từ 5000 năm trước, người Ai Cập đã biết massage để phòng ngừa và chữa bệnh. Kim tự tháp Shakka (Ai Cập) đã từng là trung tâm chữa bệnh của thế giới cổ đại và ngày nay trên các bức tường của nó còn lưu giữ những hình ảnh thể hiện công việc massage. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại đã biết dùng massage để săn sóc cho cơ thể.
Người châu Phi có truyền thống kết bện tóc, giựt tóc như một hình thức massage và ngày nay vẫn còn phổ biến.
Ở phương Đông, massage đã được phổ biến hàng ngàn năm trước công nguyên với những chiêu thức kỹ thuật hết sức độc đáo và hiệu quả.
Đầu thế kỷ XIX, Henrick Ling (Thụy Điển) đã kết hợp các hình thức thể dục và vật lý trị liệu với các kỹ thuật massage Trung Hoa, Ai Cập, La Mã, Hy Lạp để sáng tạo ra các nguyên tắc cơ bản trong massage trị bệnh và tập luyện cơ, khớp mà vẫn được áp dụng cho tới ngày nay.
Những năm 70 của thế kỷ XX, George Downing (Mỹ) đã tạo ra bước nhảy vọt khi đề ra nguyên lý massage trị liệu căn bản, kết hợp với kỹ thuật phương Đông và phương Tây, bao gồm cả Shiatsu và phương pháp phản xạ để tác động trên toàn cơ thể người trên các phương diện: thể xác, tinh thần, trạng thái cảm xúc.
Tóm lại massage là một trong những phương pháp trị liệu tự nhiên lâu đời nhất rất được yêu thích và sử dụng rộng rãi trên thế giới.
II. TÁC DỤNG CỦA MASSAGE:
A. ĐÁNH GIÁ TÁC DỤNG ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC CƠ QUAN KHÁC NHAU TRÊN CƠ THỂ:
1. Đối với da và tổ chức dưới da:
+ Massage kích thích các thụ cảm thần kinh qua phản xạ làm giãn nở các mạch máu dưới da, tăng cường lưu lượng máu nuôi cơ thể.
+ Các tác động massage gây tác dụng cơ học trực tiếp kích thích tuần hoàn và chuyển hóa chất các mô cơ thể.
+ Làm cho da và tổ chức dưới da tăng cường hô hấp bài tiết các chất có hại, lưu thông các tuyến (mồ hôi, tuyến bã,…)
+ Làm cho da phục hồi và tăng tính mềm mại, đàn hồi, tươi mới.
Tóm lại: da và tổ chức dưới da được kích thích nuôi dưỡng tốt hơn sẽ trẻ trung về cơ năng, tươi tắn về sắc diện.
2. Đối với hệ thần kinh:
+ Massage kích thích tăng cường phản xạ.
+ Tăng hoạt động dẫn truyền của hệ thần kinh.
+ Tăng cường chức năng dinh dưỡng của thần kinh
+ Tăng cường hoạt động thần kinh trung ương
3. Đối với hệ thống cơ quan vận động
+ Tăng cường dinh dưỡng
+ Tăng cường phản xạ
+ Tăng cường độ vận động (tăng khối lượng vận động và độ bền
4. Tác dụng khác:
Ngoài các tác dụng phòng bệnh và tăng cường sức khỏe, massage còn được áp dụng trong điều trị nhằm phục hồi chức năng như trong nội khoa, thần kinh, chấn thương chỉnh hình và chữa bệnh trực tiếp như bấm huyệt…
B. ĐÁNH GIÁ TÁC DỤNG CỤ THỂ TRÊN MỘT SỐ CHỨC NĂNG CƠ THỂ:
+ Massage làm tăng cường hoạt động thần kinh
+ Tăng cường chức năng tiêu hóa
+ Điều chỉnh rối loại tiêu hóa, giảm đầy bụng chướng hơi
+ Tăng thải trữ độc tố
+ Tăng cung lượng máu của tim
+ Giảm đau nhức các loại như đau đầu, lưng, vai…
+ Tăng cường nuôi dưỡng da
+ Giảm cân, chữa béo phì
+ Loại trừ các chấn thương tinh thần (stress)
+ Tạo tâm trạng thoải mái, phấn chấn và điều chỉnh xúc cảm cho con người…
III. CÁC LOẠI HÌNH MASSAGE
Qua lịch sử tồn tại và phát triển, massage đã trở thành một lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hết sức đa dạng và phong phú. Để có cái nhìn tổng thể về massage có thể tạm phân loại như sau:
1. Theo vùng cơ thể làm massage:
+ Massage đầu, mặt, cổ
+ Massage lưng
+ Massage bụng
+ Massage tứ chi
+ Massage toàn thân
Hoặc có thể chia nhỏ hơn nữa theo từng phần cơ thể khác nhau.
2. Theo phương tiện kỹ thuật:
+ Massage bằng tay (hay gọi là xoa bóp theo danh từ qui định của ngành y tế Việt Nam) với các kỹ thuật cơ bản: xoa vuốt, day miết, nắn bóp, gõ chặt, rung lắc.
+ Massage nước: nhờ vào tác động cơ học trực tiếp của sức nước lên cơ thể, từ đơn giảnnhư vòi nước tắm đến hồ tạo sóng (jacuzzi).
+ Massage bằng dụng cụ thủ công cổ truyền như con lăn, bàn gỗ, que gõ, bàn chà.v.v…
+ Massage nhiệt: nhờ tác dụng của nhiệt lên da như tắm nóng lạnh, quấn nóng lạnh, các loại tắm hơi, xông hơi (sauna, steambath), giác hơi.v.v…
+ Massage dầu (oil massage – aromatherapy) sử dụng các loại dầu thơm hương liệu để nhờ động tác massage làm cho hương liệu thấm vào da và cơ thể, tăng cường nuôi dưỡng và kích thích trẻ hóa da (hương liệu chủ yếu được pha chế từ các hoạt chất thảo mộc thiên nhiên, tinh dầu hoa lá cỏ cây…).
3. Phân loại theo mục đích:
+ Massage phục hồi sức khỏe
+ Massage phòng bệnh
+ Massage điều trị bệnh
+ Massage săn sóc thẩm mỹ
IV. MASSAGE THẨM MỸ
Massage thẩm mỹ là một bộ phận của nghệ thuật massage với mục đích chủ yếu là duy trì, tăng cường vẻ đẹp ngoại hình cơ thể (vóc dáng và làn da).
Như vậy về vấn đề cơ bản như nguyên tắc kỹ thuật, hiệu quả sinh học…cũng giống như massage nói chung.
Tuy nhiên vì săn sóc thẩm mỹ là lĩnh vực hơi đặc biệt nên massage thẩm mỹ cũng có một số điều cần được lưu ý trong nhận thức cũng như thực hành.
Về nội dung: massage thẩm mỹ cũng bao gồm massage toàn thân, massage từng vùng (bụng, ngực, tay, chân), massage mặt (trong săn sóc da mặt – facial skin care).
Tuy nhiên mục đích chính khi massage từng vùng có khác nhau, như massage bụng thường nhằm làm tan mỡ bụng, săn da bụng. Massage ngực thường để làm nẩy nở và săn chắc ngực hay massage mặt chủ yếu để làm giảm nếp nhăn trên mặt, loại bỏ lớp tế bào chết, tăng cường dinh dưỡng cho da, giúp da mặt mềm mại, tươi tắn, mịn màng. Vì mục đích khác nhau nên kỹ thuật massage cũng có những khác biệt về tính chất và cường độ.
Massage bụng (có thể làm bằng máy hay bằng tay) có yêu cầu cao về cường độ và thời gian (động tác mạnh, liên tục trong khoản thời gian dài theo từng trường hợp), nhưng massage mặt lại cần sự chính xác, tinh tế (thay đổi cường độ và hướng tay theo từng vùng, từng nếp da tự nhiên trên khuôn mặt).
Các phương tiện kỹ thuật (máy massage vi tính cho bụng và toàn thân hay máy siêu âm làm tan mỡ và xóa nếp nhăn…) và các mỹ phẩm (như kem làm tan mỡ, kem dưỡng da,lột tẩy da) hay hương liệu phụ trợ (các loại tinh dầu) ngày càng phong phú về chủng loại và hiệu quả hơn về chất lượng.
Xin lưu ý thêm một vài điểm cần thiết: nếu chúng ta muốn massage có hiệu quả tốt.
Ta biết rằng về mặt thẩm mỹ, tất cả phụ nữ đều chú ý đến 2 mục tiêu chủ yếu đó là vóc dáng và làn da (đặc biệt là da mặt). Trong khi các kỹ thuật và dụng cụ massage ngày càng phong phú mà cơ thể và làn da mỗi người đều có những đặc điểm sinh học khác nhau. Vì vậy người kỹ thuật viên massage và người tự làm massage cần phải:
- Hiểu biết đầy đủ và thao tác thành thạo các kỹ thuật massage, săn sóc da, hiểu biết chính xác về các hóa chất, mỹ phẩm, dầu thơm và thành thạo trong việc sử dụng các loại máy móc kỹ thuật.
- Có kiến thức đầy đủ về cơ thể người (cơ thể học, sinh lý học) đặc biệt về da, cơ xương khớp. Biết được những biến chứng xấu có thể xảy ra khi massage và cách giải quyết.
- Có đủ hiểu biết và kinh nghiệm để xem xét đánh giá đúng tình trạng cơ thể từng người (vóc dáng, làn da) để có biện pháp đúng cho từng cơ thể. Đặc biệt lưu ý cả những triệu chứng hay tiền sử bệnh tật cá nhân để đề phòng tai biến. Việc lựa chọn kỹ thuật massage đúng có tính quyết địnhquan trọng.
- Massage để phục hồi tăng cường sức khỏe và săn sóc cơ thể, săn sóc thẩm mỹ đòi hỏi sự kiên trì thường xuyên liên tục, thậm chí suốt đời. Nếu chỉ làm theo phong trào, tùy hứng theo kiểu “xuân thu nhị kỳ” thì kết quả sẽ khó được như mong muốn.
- Vóc dáng và làn da là hình ảnh của cơ thể, là tấm gương phản chiếu tính chất và sức khỏe của cơ thể. Vì vậy, muốn cải thiện vẻ đẹp của vóc dáng và làn da thì không chỉ massage và săn sóc da là đủ mà cần phải tăng cường sức khỏe toàn thân, có chế độ làm việc nghỉ ngơi hợp lý, rèn luyện thể dục thể thao, thường xuyên, có đời sống tinh thần thoải mái không stress, ăn uống hợp lý và ngủ nghỉ điều độ.
Một cơ thể khỏe mạnh cùng với một đời sống tinh thần thoải mái, lành mạnh là điều kiện cho một vóc dáng và làn da đẹp.
Massage sẽ giúp bạn phục hồi và tăng cường sức khỏe, đặc biệt massage thẩm mỹ sẽ giúp bạn giữ gìn vẻ đẹp thanh xuân của làn da và vóc dáng.
Tuy nhiên cũng như mọi chuyện khác trên đời, massage cũng có thể gây hậu quả không tốt nếu người làm massage không hiểu đúng và làm đúng.
Massage không đúng có thể gây chấn thương, gây nguy hiểm cho cơ thể, nhất là khi dùng máy móc (điện giật, bỏng da, kích thích quá mức gây rung giật…) và có thể gây tổn thương cho da với nhiều mức độ khác nhau khi dùng các mỹ phẩm trong massage một cách thiếu hiểu biết.
Tất cả những điều đó đòi hỏi người làm massage (có thể là nhân viên phục vụ massage hoặc người tự massage ) phải có những kiến thức tối thiểu và căn bản về massage (kiến thức về kỹ thuật, y học) để thực hành nghề massage một cách đúng đắn hiệu quả. Có như vậy massage mới thực sự có ích cho con người và giúp nâng cao giá trị của nó trong đời sống và dưới mắt mọi người nó đáng được nhìn nhận.
Mặt khác cũng không vì những yêu cầu đó mà hạn chế sự phát triển của nghệ thuật massage, cũng như, không vì hành vi lợi dụng massage để vụ lợi của một số người mà tẩy chay hay coi thường massage.
Bằng việc đào tạo, hướng dẫn, quản lý đúng đắn thường xuyên những người hành nghề massage, quản lý tốt các cơ sở massage và phổ biến hiểu biết đúng đắn cho mọi người trong xã hội. Chúng ta tin massage sẽ dần được phục hồi, phổ biến rộng rãi như một phương tiện tuyệt vời để phục vụ cho sức khỏe và hạnh phúc của con người.
Bởi như Hypocrates, cha đẻ của y học Tây phương, đã viết từ thế kỷ thứ 5: “Tắm và massage với tinh dầu hằng ngày chính là phương pháp để tạo nền sức khỏe” (The way to health is to heve a scented bath and an oil massage each day).